Thực trạng và mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

20/11/2021 693

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam diễn ra rất phức tạp và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Vậy những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam là gì? Hiện tại Việt Nam đã có mô hình nào ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả hay chưa? Cùng Thongtinkythuat.com đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!

Khái quát tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay

Theo báo cáo của tổ chức Germanwatch thì Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều số lượng lớn nghiên cứu của tổ chức này cho thấy nước ta đã và đang trải qua biến đổi khí hậu và sẽ ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn trong những thập kỷ tới.

biến đổi khí hậu ở việt nam

Khái quát tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay

Những tác động này sẽ làm mực nước biển dâng cao dẫn đến xâm nhập mặn cùng 1 loạt hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra như: Bão lũ, lốc tố, hạn hán, mưa lớn, dông sét… Sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của nước ta. Trong đó có thể kể đến như:

  • Lốc xoáy diễn ra khắp nơi ở Bắc Ninh, Bình Phước, Nghệ An, Quảng Trị, Cần Thơ, Sóc Trăng, Gia Lai… Đặc biệt vòi rồng xuất hiện 2 lần tại đảo Cô Tô vào năm 2016.
  • Các đợt rét đậm rét hại diễn ra trên diện rộng, có những năm có đến 20 điểm có băng tuyết như: Ba Vì (Hà Nội), Kỳ Sơn (Nghệ An), Sapa (Lào Cai), Mèo Vạc (Hà Giang),  Bình Liêu (Quảng Ninh)… Hay Hương Sơn (Hà Tĩnh) lần đầu tiên xuất hiện mưa tuyết.
  • Hạn hán, sa mạc hóa diễn ra ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khiến diện tích đất canh tác bị thu hẹp, thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và trồng trọt nghiêm trọng.

Một số biểu hiệu của sự biến đổi khí hậu Việt Nam

Biến đổi khí hậu kéo theo sự thay đổi của 1 loạt hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ở Việt Nam mà biểu hiện rõ nhất con người có thể nhìn thấy và cảm nhận được là:

Tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam

  • Lũ lụt, lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều, đây là biểu hiện khá rõ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến Việt Nam. Trong lịch sử nước ta không phải năm nào lũ cũng trở thành thiên tai và gây họa đến người dân. Tuy nhiên trong một vài năm trở lại đây ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên thì hầu như năm nào cũng có lũ quét và sạt lở đất. Riêng khu vực miền Trung thì trong năm 2019 và 2020 đều phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ các trận ngập lụt nghiêm trọng do ảnh hưởng của mưa lũ và bão tố.
  • Hạn hán xuất hiện nhiều hơn với mức độ khốc liệt hơn và thời gian kéo dài lâu hơn. Nguyên nhân là do các đợt không khí nóng với cường độ mạnh diễn ra thường xuyên và lượng mưa ở các tỉnh Tây Nguyên thì đang có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây.
  • Nhiệt độ mùa hè đang có xu hướng tăng cao đặc biệt là tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, trong một vài năm trở lại đây mức nhiệt giữa mùa hè của Hà Nội, các tỉnh miền Trung và miền Bắc có nơi vượt ngưỡng 40 độ C. Mức cao kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.

Xem thêm: Kể tên 10 nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên Thế Giới

Kịch bản về biến đổi khí hậu hiện nay của Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kịch bản về biến đổi tự nhiên và nước biển dâng dựa trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra:

Về nhiệt độ trung bình

Theo như nghiên cứu và tổng hợp dữ liệu của Bộ Tài Nguyên và Môi trường nước ta cho biết, nhiệt độ trung bình năm của các mùa (đông, xuân, hè, thu) trên tất cả các vùng của Việt Nam hiện nay đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986 – 2005); mức tăng phụ thuộc vào các kịch bản RCP (kịch bản phát thải chuẩn) và vùng khí hậu.

Nhiệt độ trung bình tăng lên

Nhiệt độ trung bình tăng lên

Theo kịch bản RCP4.5 thì mức tăng nhiệt độ trung bình hàng năm sẽ phổ biến từ 1,3 – 1,7 độ C vào giữa thế kỷ 21 và từ 1,7 – 2,4 độ C vào cuối thế kỷ 21. Theo kịch bản này thì nhìn chung là nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc tăng cao hơn phía Nam. Còn nếu theo kịch bản RCP8.5 thì vào giữa thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm ở các tỉnh phía Bắc có mức tăng phổ biến là  từ 2.0 – 2,3 độ C, còn ở các tỉnh phía Nam từ 1,8 – 1,9 độ C. Cho đến cuối thế kỷ 21 mức tăng nhiệt sẽ từ 3,3 – 4,0 độ C ở phía Bắc và từ 3,0 – 3,5 độ C ở phía Nam.

Về nhiệt độ cực trị

Theo như kịch bản biến đổi khí hậu này thì trong thế kỷ 21 nhiệt độ cực trị của nước ta có xu hướng tăng so với trung bình thời kỳ 1986 – 2005. Nếu theo kịch bản RCP4.5 thì tính đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ tối cao trung bình năm có hướng tăng từ 1,7 – 2,7 độ C. Trong đó tăng cao nhất là ở khu vực Đông Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ còn thấp nhất là ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Về lượng mưa của năm và lượng mưa cực trị

Về lượng mưa của năm và lượng mưa cực trị

Về lượng mưa của năm và lượng mưa cực trị

Lượng mưa trung bình năm tại Việt Nam sẽ có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở ở tất cả các khu vực và tất cả các kịch bản RPC. Nếu như theo kịch bản RCP4.5 thì đến cuối thế kỷ 21 lượng mưa trung bình của năm sẽ tăng ở hầu hết diện tích cả nước từ 5 đến 15%. Riêng một số vùng ở đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có thể tăng trên 20%. Đối với lượng mưa cực trị sẽ có mức tăng phổ biến từ 10 đến 70%.

Về mực nước biển dâng

Kịch bản phát thải chuẩn (RCP4.5) dự báo vào cuối thế kỷ 21 mực nước biển sẽ dâng cao nhất ở hai khu vực là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là 58cm (33cm ÷ 83cm) còn thấp nhất ở khu vực Móng Cái đến Hòn Dáu với mức tăng là 53cm (32cm ÷ 75cm).

Mực nước biển dâng

Mực nước biển dâng

Nếu theo kịch bản RCP8.5 thì  vào cuối thế kỷ 21 mực nước biển ở nước ta sẽ dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là 78cm (52 cm ÷ 107 cm) và thấp nhất ở khu vực Móng Cái đến Hòn Dáu với mức dâng là 72 cm (49 cm ÷ 101 cm).

Có thể bạn quan tâm: 8 Biện pháp khắc phục hiệu ứng nhà kính tốt nhất hiện nay

Mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Để ứng phó với biến đổi khí hậu nước ta đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó có các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả như:

Mô hình nông nghiệp có lượng khí thải cacbon thấp

Nông nghiệp cacbon thấp là mô hình được xây dựng với mục đích là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả, thân thiện với môi trường. Ưu điểm của các mô hình nông nghiệp cacbon thấp này là hướng tới việc giảm thải khí nhà kính, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chế phẩm nông nghiệp…

Mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Mô hình Thích ứng BĐKH ở ĐBSCL

Đây là mô hình do JICA (chương trình hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở) tài trợ nhằm nâng cao năng lực lập quy hoạch thích ứng biến đổi khí hậu. Đưa ra các dự báo và đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu trong giai đoạn chung 2020 – 2050. Mô hình dự án này cũng hỗ trợ các dự án xử lý xâm nhập mặn, xói mòn đất ven biển và suy kiệt nguồn nước ngọt…

Mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI)

Mô hình này có thể áp dụng ở nhiều loại với nhiều điều kiện khác nhau từ ruộng khô đến ruộng trũng và áp dụng được tất cả các giống lúa thuần đến giống lúa lai. Mô hình SRI đã giúp giảm đến 40% về giống, 10% phân đạm và quan trọng là giảm đến 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như số lần phun.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả khác đã và đang được xây dựng ở Việt Nam bạn có thể tham khảo như:

  • Mô hình cải thiện ngành nông nghiệp có tưới.
  • Mô hình Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất ở ĐBSCL – Sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền lúa.
  • Mô hình trồng lúa ít phát thải khí nhà kính.
Một số mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả khác

Một số mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả khác

  • Mô hình trồng rừng ven biển để thích ứng với biến đổi khí hậu.
  • Mô hình sản xuất lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản (tôm+cua+lúa).
  • Mô hình hệ thống nông lâm kết hợp trong chương trình hợp tác phát triển vùng của ACIAR nhằm cải thiện hệ thống canh tác của nước ta thích ứng với biến đổi khí hậu.
  • Mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng…

Trên đây là thông tin về tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam và một số mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu đang được áp dụng hiện nay. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này bạn sẽ hiểu hơn về biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực mà nó mang đến cho con người nói chung và môi trường Việt Nam nói riêng. Từ đó giúp bạn có thể đưa ra những giải pháp và hành động thiết thực bảo vệ môi trường.