Không phân biệt đối xử và kỳ thị với người từ vùng cam trở về!

17/01/2022 456

Ai cùng đều cảm thấy lo lắng và bất an về đại dịch Covid-19 do nó có mức độ lây lan đáng báo động và chúng tôi hiểu được nỗi lo sợ của các bạn; tuy nhiên nếu để sự sợ hãi lấn chiếm sẽ khiến chúng ta có cái nhìn lệch lạc về dịch bệnh, dẫn đến cách phòng tránh cực đoan và có những hành động xấu như phân biệt đối xử, kỳ thị người mắc Covid, khiến tình hình chung đã vốn khó khăn, lại càng trở nên tồi tệ hơn.

Cách phòng dịch cực đoan của một số tổ chức

Tình trạng này càng đáng lo ngại hơn khi cận kề Tết, các tỉnh thành cho phép người xa xứ từ các nơi khác trở về, trong đó sẽ có cả những nơi vùng đỏ, vùng cam như tại các quận huyện Hà Nội, Hồ Chí Minh, khiến cho người ở quê bất an hơn.

Những ngày qua gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú, Thiệu Hóa (Thanh Hóa) được vận động và đồng ý cho chính quyền địa phương khoá cổng nhà để phòng Covid-19. Đây là những gia đình có người từ vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam), 4 (vùng đỏ) về quê ăn Tết. Chính quyền xã cho rằng việc này là thực hiện theo Nghị Quyết 128 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, huyện Thiệu Hóa yêu cầu xã mở hết số khóa cửa.

Nguồn ảnh vnexpress

Nguồn ảnh vnexpress

Luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Lawfrim) cho biết việc khóa cửa trái phép như vậy là hoàn toàn sai, thể hiện sự hoảng loạn, lúng túng trong việc phòng, chống Covid-19 ở địa phương.

Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tự do đi lại, cư trú trong nước. Quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo “quy định của luật” trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, sức khỏe của cộng đồng…

Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền chỉ được phép hạn chế quyền của người dân bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự như bắt giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc xuất cảnh; tịch thu phương tiện, tài sản; phạt tiền…

Với nhà đất, tòa án khi cần cũng chỉ có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa, cấm thay đổi hiện trạng hoặc mua bán… Như vậy, “không có quy định nào cho phép khóa cửa nhà dân”. Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan, kể cả những điều khoản về tình trạng khẩn cấp, chiến tranh… cũng không cho phép làm như vậy, luật sư nêu quan điểm.

Vì vậy mặc dù được người dân chấp thuận việc khóa trái cửa, nhưng chính quyền xã cũng không được phép làm vậy, vì đang vi phạm nguyên tắc “người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép”.

Nhiều bạn đọc còn đưa ra nhiều vấn đề rủi ro khi cán bộ địa phương có hành động bất hợp lý như khóa trái cửa như vậy rằng lỡ may có vấn đề gì cũng không thể chạy ra ngoài thoát thân.

Sự phân biệt đối xử này diễn ra ở nhiều nơi chứ không chỉ riêng ở Thiệu Hóa – Thanh Hóa.

Theo luật sư Tú, các địa phương cần thực hiện việc đón người về quê ăn Tết theo quy định phòng chống dịch của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế; không nên “sáng tạo thái quá”. Dù có sáng tạo gì thì cũng không nên bước qua ranh giới của pháp luật.

Đoàn kết, không kỳ thị, cùng chống lại Covid-19

Phòng dịch là trách nhiệm của cá nhân và toàn xã hội, nhưng có những cách làm của một số cá nhân, tổ chức đang làm khiến những người xung quanh bị tác động sẽ lại càng tổn thương hơn, đặc biệt là những người con xa quê.

Các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là thời điểm căng thẳng đối với tất cả mọi người bị ảnh hưởng, điều quan trọng là phải luôn cập nhật thông tin và tử tế, hỗ trợ lẫn nhau.

Và mỗi người dân khi về quê ăn Tết cũng nên ý thức được rằng, suy cho cùng việc quản lý nghiêm ngặt cũng chỉ nhằm bảo vệ cho cộng đồng, làng xóm và có cả gia đình mình trong đó, vậy nên mỗi người dân khi về quê ăn Tết cần tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng ngừa Covid, để quê hương có một cái Tết trọn vẹn, để chính quyền không phải máy móc khóa cửa người dân, để bản thân người dân khi từ xa trở về quê hương cũng không bị cảm giác bị đối xử.

Người từ vùng cam, vùng đỏ trở về quê cần làm gì?

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine (có chứng nhận tiêm đủ liều) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính từ thời điểm đến/trở về địa phương) thì cần thực hiện như sau khi trở về quê:

  • Vùng xanh (cấp độ 1), Vùng vàng (cấp độ 2): Không hạn chế đi lại; thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc tại các cơ sở y tế gần nhất. Không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2.
  • Vùng cam (cấp độ 3): Cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm SARS-CoV-2 (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.
  • Vùng đỏ (cấp độ 4): Cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo sau ngày cách ly tập trung. Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên (mẫu đơn) và ngày thứ 7 (mẫu gộp) trong thời gian cách ly tập trung và xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 7 (mẫu gộp) trong thời gian các ly tại nhà.
  • Riêng đối với người trở về từ vùng đỏ đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính từ thời điểm đến/trở về địa phương thì cách ly tại nhà 14 ngày và xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 (mẫu gộp).

Đối với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thì cần thực hiện như sau khi trở về quê:

  • Vùng xanh (cấp độ 1): Không hạn chế đi lại; thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc tại các cơ sở y tế gần nhất. Không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2.
  • Vùng vàng (cấp độ 2): Cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương, xét nghiệm SARS-CoV-2 (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.
  • Vùng cam (cấp độ 3): Cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo sau ngày cách ly tập trung Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên (mẫu đơn) và ngày thứ 7 (mẫu gộp) trong thời gian cách ly tập trung và xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 7 (mẫu gộp) trong thời gian cách ly tại nhà.
  • Vùng đỏ (cấp độ 4): Cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày tiếp theo sau ngày cách ly tập trung. Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên (mẫu đen), ngày thứ 7 và ngày thứ 14 (màu gộp) trong thời gian cách ly tập trung và xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RTPCR ngày thứ 7 (mẫu gộp) trong thời gian cách ly tại nhà.