Phòng tránh bệnh viêm phổi mùa lạnh như thế nào đúng cách?

20/12/2021 571

Viêm phổi có thể xảy ra bất kỳ khi nào, nhưng vào chính đông thời tiết càng lạnh thì số người mắc viêm phổi càng nhiều hơn. Nhiệt độ thấp cũng khiến cho bệnh viêm phổi trở nặng nhanh ở người già, trẻ nhỏ và người có sẵn các bệnh về đường hô hấp. 

Vì sao trời lạnh bạn dễ bị viêm phổi hơn?

Theo nghiên cứu, khi nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao sẽ là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn phế cầu, cúm… phát triển mạnh mẽ. Từ đó, nguy cơ mắc bệnh cúm sẽ tăng cao, gây nhiễm trùng đường hô hấp và nhanh chóng diễn tiến thành viêm phổi.

Mùa lạnh là thời điểm bùng phát dịch cúm và số người bị viêm phổi tăng cao

Mùa lạnh là thời điểm bùng phát dịch cúm và số người bị viêm phổi tăng cao

Mùa lạnh sức đề kháng của cơ thể dễ bị suy giảm, đường hô hấp bị khô và nhạy cảm hơn nên có thể nhiễm virus, vi khuẩn bất cứ lúc nào. Trẻ nhỏ và người cao tuổi bị tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn… về mùa lạnh thường tái phát hoặc nặng thêm nên càng dễ mắc viêm phổi.

Trời lạnh nếu mặc không đủ ấm, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, tắm nước lạnh, phòng ngủ có gió lùa cũng dễ dẫn tới viêm phổi.

Người nghiện thuốc lá, thuốc lào hoặc sống ở vùng có nhiều khói bụi, không khí bị ô nhiễm thì bệnh viêm phổi cũng dễ xuất hiện.

Triệu chứng của bệnh viêm phổi là gì?

Dấu hiệu của viêm phổi là ho, sốt, nghẹt mũi, sổ mũi, dịch nhày xanh trong mũi, họng…   Ban đầu, người bệnh sốt nhẹ nhưng sau đó sốt cao kéo dài, nhịp thở nhanh…  Viêm phổi nếu không điều trị kịp thời, để lâu sẽ trở thành mạn tính, gây viêm mủ màng phổi, áp xe phổi… Thậm chí, một số loại virus có độc lực mạnh như SARS-COV-2 nếu trở nặng có thể gây tụt oxy trong máu, tụt huyết áp và có thể gây tử vong nhanh chóng. Do vậy, ngay khi có những dấu hiệu đáng ngờ, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Sốt cao kéo dài, ho có đờm là triệu chứng viêm phổi điển hình

Sốt cao kéo dài, ho có đờm là triệu chứng viêm phổi điển hình

Để chẩn đoán viêm phổi ngoài các dấu hiệu kể trên còn cần chụp X-quang phổi hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đờm, nhầy họng để xác định vi khuẩn, vi nấm. Ngoài ra, cần phải thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh điều trị thích hợp nhất.

Phòng tránh bệnh viêm phổi mùa lạnh đúng cách

Cách phòng tránh được giới Y tế khuyến cáo chính là tiêm phòng vacxin phế cầu và các loại vaccine cúm. Vaccine cúm nên tiêm mỗi năm một lần, thời điểm phù hợp để tiêm là khi thời tiết bắt đầu trở lạnh.

Bạn cũng cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài bằng các phương pháp như dùng khăn quàng cổ, đeo găng tay, mang tất chân, mặc quần áo dài tay… Ngoài ra, thay vì mặc quần áo quá dày, để giữ ấm người lớn, trẻ nhỏ nên mặc nhiều lớp quần áo mỏng vì giữa chúng có các lớp không khí để giữ nhiệt tốt hơn.

Nếu mắc phải virus, bạn nhớ khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và các vật dụng. Ban ngày hãy mở cửa cho thông thoáng và không nên hút thuốc cũng như tránh các loại khói bụi khác.

Giữ ấm cơ thể để ngăn ngừa viêm phổi trong tình hình đại dịch vẫn đang phức tạp

Giữ ấm cơ thể để ngăn ngừa viêm phổi trong tình hình đại dịch vẫn đang phức tạp

Khi nhiệt độ giảm sâu, bạn có thể dùng điều hòa và lò sưởi để giữ ấm hơn. Tuy nhiên, tránh để nhiệt độ chênh lệch cao giữa môi trường bên ngoài và nhiệt độ trong phòng. Sự chênh lệch quá lớn có thể khiến bạn bị sốc nhiệt khi từ trong nhà đi ra ngoài. Cụ thể, nếu nhiệt độ bên ngoài 15 độ C thì trong nhà chỉ nên để khoảng từ 20 đến 22 độ C.

Đặc biệt, để nâng cao sức đề kháng, mọi người cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước và vận động cơ thể đều đặn hàng ngày bằng các động tác tập thể dục vừa sức.

Đại dịch Covid 19 vẫn đang sản sinh ra rất nhiều biến chủng và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Viêm phổi do covid 19 đã cướp đi tính mạng của rất nhiều người trên toàn thế giới. Vì thế, khi thời tiết ngày càng lạnh, bạn cũng cần chủ động hơn trong việc bảo sức khỏe, nâng cao sức đề kháng để chống lại tình trạng viêm phổi.