Sử dụng bình oxy trợ thở tại nhà đơn giản, đúng cách và an toàn nhất

13/12/2021 944

Đối với những người mắc bệnh về đường hô hấp, bình oxy là thiết bị y tế vô cùng quan trọng. Sử dụng bình oxy đúng cách sẽ mang đến hiệu quả và đảm bảo sự an toàn cho người dùng. 

Lợi ích khi sử dụng bình oxy đúng cách

Chúng ta có thể nhịn ăn, nhịn uống một vài bữa, nhưng không thể nhịn thở quá 5 phút. Trong bối cảnh đại dịch covid 19 đang ảnh hưởng trên toàn thế giới và số ca mắc ngày càng gia tăng, tốt nhất bạn nên trang bị cho gia đình một bình oxy y tế và nắm vững cách sử dụng chúng. Đặc biệt, nếu gia đình bạn có người già, trẻ nhỏ và những người đã có sẵn các bệnh về đường hô hấp, huyết áp, tim mạch… bình oxy y tế mang đến nhiều lợi ích thiết thực.

Bình oxy y tế đầy đủ phụ kiện

Bình oxy y tế đầy đủ phụ kiện

Tuy vậy, sử dụng bình oxy sai cách có thể gây đau đầu, ù tai, xẹp phổi và tăng nặng thêm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Khi sử dụng bình oxy đúng sẽ giúp tăng tỉ lệ sống sót cho bệnh nhân. Oxy cũng giúp người bệnh tỉnh táo, dễ ngủ hơn và giảm các biến chứng tại tim mạch. Do vậy, bệnh nhân thở oxy và người nhà cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Xem thêm:

Dấu hiệu phải sử dụng đến bình oxy trợ thở

Bạn phải cho người bệnh đường hô hấp dùng bình oxy trợ thở ngay lập tức khi có các dấu hiệu thể hiện bị thiếu oxy sau đây:

Các dấu hiệu cho thấy cần phải sử dụng đến bình oxy trợ thở

Các dấu hiệu cho thấy cần phải sử dụng đến bình oxy trợ thở

  • Môi và các đầu ngón tay xanh tái, nhợt nhạt.
  • Tại cổ và 2 bên sườn có hiện tượng co kéo cơ.
  • Xuất hiện tình trạng chóng mặt
  • Dùng ngón tay số 2 và 3 để bắt mạch, đếm mạch đập trên 100 lần/phút.
  • Có tình trạng thở ngắn, thở dốc, thở nhanh >24 lần/phút. Để đo nhịp thở, bạn đặt tay lên thành bụng và đếm sự di động thành bụng khi thở trong vòng 1 phút.
  • Sử dụng máy đo SpO2 cho chỉ số <94%

Xem thêm: Mách bạn cách chọn mua máy đo nồng độ oxy trong máu loại nào tốt?

2 nguyên tắc nhất định phải nhớ khi sử dụng bình oxy trợ thở là:

  • Không được để đường thở bị khô. Khi đó bạn cần dùng bình tạo ẩm trong phòng và cho người bệnh uống thêm nước.
  • Nếu phải thở oxy lâu, cần phải duy trì ở liều thấp nhất mà bệnh nhân có thể thở bình thường. Tránh để ở liều quá cao hoặc tăng liều quá nhanh. Chú ý điều chỉnh oxy sau mỗi 15 phút.

Hướng dẫn sử dụng bình oxy trợ thở tại nhà đúng cách

Khi sử dụng bình oxy cho người bệnh hô hấp để cung cấp oxy cho người bệnh, cần phải chú ý đến nơi đặt để,  cách lắp tháo… để đảm bảo an toàn cháy nổ khi sử dụng.

Chọn chỗ để bình oxy thích hợp:

Nên đặt máy tại đầu giường của người bệnh và dọn dẹp sạch sẽ chỗ sẽ đặt bình oxy. Chỗ đặt bình cần đảm bảo có không gian thoáng, rộng. Nơi đặt bình không bị va chạm với các vật dụng xung quanh. Đặc biệt, chỗ đặt bình oxy cần cách xa các nguồn nhiệt, nguồn điện như bếp ga, khói thuốc lá…

Kiểm tra bình oxy

Chỉ sử dụng bình oxy cho bệnh nhân khi đó là:

  • Bình oxy xanh
  • Bộ thở khí oxy hay bộ đồng hồ và cột chứa bi oxy, bình tạo ẩm có đầy đủ van điều chỉnh, đồ hồ đo lưu lượng, đồng hồ đo áp suất và bộ tạo ẩm.
  • Cần phải có dây thở oxy, mặt nạ thở có thể có hoặc không.

Các bước lắp đặt và sử dụng bình oxy y tế tại nhà

Sẽ gồm có 7 bước như sau:

Các bước lắp bình oxy đúng cách

Bước 1: Nối đồng hồ vào bình oxy, xoay ren và dùng mỏ lết siết chặt lại.

Bước 2: Đổ nước vào bình tạo ẩm, mực nước sẽ chiếm khoảng ½ bình. Chú ý, nước không được thấp hơn vạch trên bình (nếu có 2 vạch thì tính vạch dưới). Nên dùng nước tinh khiết hoặc nước uống. Tránh sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh.

Bước 3: Lắp dây oxy vào bình tạo ẩm.

Bước 4: Xoay van bình oxy ngược chiều kim đồng hồ để mở van.

Bước 5: Theo dõi kim đồng hồ. Nếu kim ở khu vực màu xanh là còn oxy, màu vàng là sắp hết oxy và màu đỏ là đã hết oxy.

Bước 6: Điều chỉnh liều lượng oxy thích hợp bằng cách xoay núm vặn oxy cho đến khi viên bi ngang với số 2. Điều đó có nghĩa là bạn đang thở 2 lít/phút.

Bước 7: Đeo dây oxy thở hay cannula mũi hoặc mặt nạ và hít thở đều. Khi đeo cannula, bạn kiểm tra gọng oxy xem có nguyên vẹn không, chiều cong có hướng xuống dưới không, sau đó luồn dây qua tai và thắt nút.

Chú ý: Nếu là canula, bạn khởi đầu ở 2 lít/phút và tối đa là 6 lít/phút. Nếu dùng mặt nạ, khởi đầu là 5 lít/phút và để tối đa 10 lít/phút.

Tắt bình oxy đúng thứ tự

Để tắt bình oxy, bạn làm theo 4 bước sau:

Bước 1: Xoay van bình theo chiều kim đồng hồ để đóng chặt van lại.

Bước 2: Đợi một thời gian ngắn cho đồng hồ oxy về mức 0.

Bước 3: Xoay núm xoay về mức 0

Bước 4: Tiến thành tháo ren.

Ngắt bình oxy đúng cách

Ngắt bình oxy đúng cách

Đảm bảo an toàn cháy nổ khi vận chuyển và sử dụng bình oxy

Để tránh được các tai nạn ngoài ý muốn, bạn cần ghi nhớ các nguyên tắc sau:

  • Đóng chặt tất cả các van và núm vặn khi không sử dụng. Cố định bình chắc chắn, vận chuyển nhẹ nhàng, tránh va đập và không kéo lê bình.
  • Khi tháo lắp và vận chuyển bình oxy đảm bảo tay chân, quần áo không dính dầu mỡ hoặc dung dịch chứa cồn.
  • Không tự ý sửa chữa khi van bình phát ra tiếng xì.
  • Không sang chiết khí hay tự ý nạp khí lạ vào bình vì có thể gây ra cháy, nổ.
  • Không làm hỏng ren, hỏng chỗ gắn dây oxy và không làm rò rỉ oxy.
  • Luôn phòng tránh bằng cách dự trữ sẵn bình chữa cháy và các thiết bị báo cháy.
  • Không dùng dao cạo điện để tránh phóng tia lửa gây cháy nổ.
  • Tránh dùng kem dưỡng da vì chúng có nguồn gốc từ dầu mỏ, có thể gây cháy nổ.
  • Bình oxy phải luôn đứng thẳng trong thùng hoặc giá đỡ. Không được để chúng bị đổ hay bị rơi.
  • Sử dụng bình oxy theo hướng dẫn hoặc quy định của bác sỹ. Nên ghi chép lại thời gian, liều lượng cụ thể để dễ theo dõi.

Trong bối cảnh số ca mắc covid tại Việt Nam và các nước trên thế giới đều không ngừng tăng lên, trang bị kiến thức sử dụng bình oxy hiệu quả, an toàn là điều cần thiết. Hy vọng Thongtinkythuat.com đã gửi đến bạn những thông tin hữu ích nhất. Chúc các bạn luôn vui vẻ, khỏe mạnh.