Thế nào là ánh sáng xanh? Tác dụng và tác hại ánh sáng gây ra là gì?
18/11/2021 552
Trong những năm trở lại đây đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ánh sáng xanh có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giấc ngủ và với đôi mắt của con người. Tuy nhiên chúng cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống như cân bằng chu kỳ sinh học của con người, ứng dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ…Vậy ánh sáng màu xanh là gì? Nó có tác dụng và tác hại gì? Hãy cùng Thongtinkythuat.com đi tìm hiểu về tác dụng và tác hại của ánh sáng màu xanh qua bài viết dưới đây nhé.
Thế nào là ánh sáng xanh?
Ánh sáng xanh hay còn có tên tiếng Anh là High energy visible (HEV) thường được định nghĩa là ánh sáng có năng lượng cao. Đặc điểm của loại ánh sáng này là có bước sóng ngắn dao động từ 380nm đến 500 nm (là viết tắt của chữ Nanomet – đơn vị tính toán chiều dài thuộc hệ mét, đã được quy ước trong hệ thống đo lường quốc tế SI). Người ta chia nhỏ ánh sáng màu xanh thành hai loại:
- Ánh sáng màu xanh tím (với bước sóng dao động từ 380nm đến 450 nm).
- Ánh sáng màu xanh lam (với bước sóng dao động từ 450nm đến 500 nm).
Ánh sáng màu xanh có nguồn gốc từ tự nhiên và nhân tạo, trong đó:
- Nguồn ánh sáng màu xanh tự nhiên duy nhất trên trái đất là từ mặt trời.
- Riêng nguồn ánh sáng màu xanh nhân tạo là loại ánh sáng được phát ra từ các thiết bị điện tử như: Tivi, điện thoại, màn hình máy tính hay đèn LED. Tuy lượng ánh sáng HEV phát ra từ các thiết bị nhân tạo chỉ bằng một phần nhỏ phát ra từ mặt trời. Thế nhưng lượng thời gian mà chúng ta tiếp xúc là rất lâu và khoảng cách tiếp xúc là rất gần. Chính điều này là nguyên nhân khiến cho ánh sáng xanh có ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.
Ánh sáng xanh có tốt không?
Ánh sáng xanh có tác dụng gì?
Ánh sáng màu xanh không phải lúc nào cũng có hại đối với con người. Trong một số trường hợp tiếp xúc với loại ánh sáng này lại có lợi.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ánh sáng màu xanh giúp cân bằng chu kỳ sinh học trong cơ thể. Đây được ví như một loại công tắc giúp bật/tắt các chức năng sinh học của con người. Để từ đó điều tiết nhịp sinh học giúp cho chu kỳ ngủ hoặc thức của con người diễn ra điều độ, khỏe mạnh và khoa học.
Ngoài ra việc tiếp xúc với ánh sáng màu xanh tự nhiên thông qua các hoạt động ngoài trời sẽ giúp chúng ta tỉnh táo, nâng cao nhận thức, sức khỏe cũng như ổn định mọi hoạt động tâm sinh lý tự nhiên. Đặc biệt khi chúng ta tiếp xúc với nguồn ánh sáng màu xanh từ tự nhiên còn giúp con người phát triển về thị lực và trí nhớ. Nguồn sáng tự nhiên còn giúp cho trẻ giảm nguy cơ bị cận thị hay thiếu hụt hóc-môn tăng trưởng…
Bên cạnh đó, ngày này trong lĩnh vực thẩm mỹ đã ứng dụng ánh sáng xanh trong việc làm đẹp đặc biệt là trong việc điều trị mụn trứng cá rất hiệu quả.
Lời khuyên đến từ các trang khoa học uy tín hàng đầu Thế Giới đã khẳng định rằng, khi chúng ta tham gia các hoạt động ngoài trời, hoặc các cách thức giúp chúng ta hấp thụ ánh sáng tự nhiên đều sẽ mang lại giá trị to lớn đối với sức khỏe của bản thân. Đồng thời giúp chúng ta giảm thiểu bệnh tật, cải thiện cảm xúc và sức khỏe tâm lý rất lớn.
Xem thêm:
- Ánh sáng nào tốt cho mắt nhất? Ánh sáng vàng hay trắng?
- Bộ lọc ánh sáng xanh là gì? Có nên lọc ánh sáng xanh không?
Những tác hại ánh sáng xanh gây ra
Ánh sáng màu xanh mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể con người. Tuy nhiên không phải nguồn ánh sáng xanh nào cũng tốt, đặc biệt là ánh sáng màu xanh nhân tạo. Vậy ánh sáng màu xanh có tác hại như thế nào đến sức khỏe con người?
Khi chúng ta tiếp xúc với chúng quá lâu ở khoảng cách gần, loại ánh sáng này gây ra nhiều ảnh hưởng xấu và nghiêm trọng tới sức khỏe của chúng ta. Trong đó có thể kể đến những ảnh hưởng xấu của ánh sáng màu xanh đến sức khỏe của chúng ta như sau:
Ảnh hưởng đến đôi mắt
- Khô mắt: Khi bạn sử dụng điện thoại, máy tính, hay các thiết bị điện tử quá lâu, ánh sáng màu xanh từ các thiết bị này sẽ tác động lên lớp phim nước mắt. Điều này làm giảm tần số chớp mắt và dẫn đến tình trạng khô mắt.
- Ảnh hưởng đến giác mạc: Ánh sáng màu xanh có khả năng làm giảm tuổi thọ lớp tế bào biểu mô, dẫn đến mắt bị kích thích và nhìn thấy mọi vật mờ hơn.
- Thể thủy tinh: Khi thể thủy tinh hấp thụ một lượng ánh sáng màu xanh có thể dẫn đến hình thành đục thể thủy tinh.
- Mỏi mắt: Ánh sáng màu xanh từ các thiết bị nhân tạo có khả năng làm giảm độ tương phản. Điều này khiến đôi mắt của chúng ta phải hoạt động nhiều hơn dẫn đến mỏi mắt, đau nhức mắt. Ngoài ra ánh sáng màu xanh còn làm tổn thương tới võng mạc và ảnh hưởng đến sự phát triển khúc xạ ở trẻ em.
Ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý
Chức năng quan trọng của ánh sáng xanh tự nhiên là duy trì nhịp sinh học, chu kỳ ngủ hoặc thức dậy của con người. Tuy nhiên ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại, máy tính lại khác, chúng ngăn chặn quá trình giải phóng melatonin trong cơ thể. Đây là một loại hooc- môn có tác dụng điều hòa giấc ngủ. Nếu thiếu melatonin vào ban đêm sẽ khiến con trở nên tỉnh táo và rất khó đi vào giấc ngủ.
Ánh sáng màu xanh gây ra hiện tượng mất ngủ, khó ngủ ở những người trẻ tuổi, là thay đổi nhịp đồng hồ sinh học trong cơ thể, làm rối loạn giấc ngủ và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mãn tính đối với người trẻ tuổi.
Ảnh hưởng đến da
Khi khi tiếp xúc lâu với loại ánh sáng này làn da của chúng ta sẽ bị sạm, tối màu và gây ra tình trạng khô da, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lão hóa da sớm.
Hướng dẫn bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh hiệu quả
Với những nguồn ánh sáng màu xanh nhân tạo chúng ta nên hạn chế tiếp xúc để bảo vệ đôi mắt cũng như sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên trong thời đại công nghệ số lên ngôi, từ công việc, học tập đến vui chơi giải trí đều phải tiếp xúc với nguồn ánh sáng màu xanh nhân tạo.
Do đó bạn cần có những biện pháp giúp bảo vệ đôi mắt của mình khỏi những tác hại của loại ánh sáng này. Dưới đây là một số giải pháp giúp bạn giảm tiếp xúc với ánh sáng màu xanh:
- Giảm thiểu thời gian nhìn màn hình máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử bằng cách nghỉ giải lao thường xuyên để đôi mắt của bạn có thời gian nghỉ ngơi. Bạn có thể áp dụng theo quy tắc 20 – 20 – 20 (nghĩa là cứ 20 phút làm việc máy tính thì thư giãn mắt trong 20 giây bằng việc nhìn vào bất kỳ đồ vật nào ở khoảng cách 6 mét).
- Cài đặt màn hình điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác bằng cách sử dụng công nghệ lọc ánh sáng xanh để giảm cường độ của ánh sáng màu xanh đến mắt người. Nếu những thiết bị của bạn không được trang bị các ứng dụng này thì nên để độ sáng trên màn hình tương tự như độ sáng của môi trường xung quanh.
- Bạn nên đảm bảo không ngồi học, làm việc trong khu vực có ánh sáng mạnh như dưới ánh sáng mặt trời vào buổi trưa hoặc dưới ánh đèn huỳnh quang quá chói. Sử dụng rèm cửa để ngăn chặn ánh sáng mặt trời và đèn phát nếu chúng quá sáng, gây khó chịu cho mắt.
- Ngoài các biện pháp hạn chế ánh sáng màu xanh kể trên thì bạn có thể sử dụng kính bảo vệ hoặc sử dụng thủy tinh thể nhân tạo (IOL). Những thiết bị này được thiết kế đặc biệt để lọc ánh sáng màu xanh và giảm độ chói đến đôi mắt của chúng ta.
Tất cả mọi thứ xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta đều có 2 mặt là tốt và xấu. Tuy nguồn ánh sáng xanh nhân tạo có hại cho đôi mắt và sức khỏe con người, nhưng ánh sáng màu xanh tự nhiên lại mang đến nhiều điều tuyệt vời cho con người.
Chẳng phải chính ánh sáng màu xanh đã tạo nên một bầu trời xanh rất đẹp cho chúng ta hay sao? Vì vậy hãy bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi những tác nhân xấu, để chúng ta có thể ngắm nhìn thế giới xinh đẹp một cách trọn vẹn nhất nhé!